Biểu Hiện Và Triệu Chứng Của Bệnh Sâu Răng Ở Trẻ Em?
5 năm trước



Biểu hiện và triệu chứng của bệnh sâu răng ở trẻ em? Bệnh sâu răng ở trẻ em là gì? Vì sao trẻ em lại bị sâu răng? Cách điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào?


Sâu răng ở trẻ em là một bệnh lý phổ biến mà các bậc cha mẹ không nên coi thường vì những rắc rối mà nó có thể mang lại khiến cho trẻ luôn cảm thấy khó chịu. Với bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp những vấn đề xung quanh bệnh sâu răng ở trẻ em mà các bậc phụ huynh nên lưu ý.

Vì sao trẻ em dễ bị sâu răng?

Bệnh sâu răng xuất phát chủ yếu từ việc ăn uống quá nhiều thực phẩm có chứa chất đường mà không vệ sinh răng miệng tốt. Chính việc không làm sạch các mảng bám sau khi ăn sẽ khiến cho các loại vi khuẩn có trong khoang miệng có cơ hội chuyển hóa những chất có trong mảng bám này (chủ yếu là chất đường) thành axit để tấn công vào lớp men răng và ngà răng tạo thành những lỗ sâu có màu đen.


Tiến trình gây ra bệnh sâu răng

Nếu bệnh sâu răng không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì chất axit này sẽ tấn công đến tủy răng và gây ra nhiều biến chứng bệnh lý khác nhau.

Biểu hiện và triệu chứng của bệnh sâu răng ở trẻ em

Triệu chứng ban đầu là răng đổi màu, lúc này người bệnh chưa cảm thấy gì, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra.

Một thời gian sau, răng biến đổi sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện, trẻ cảm thấy khó chịu khi thức ăn giắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau do thức ăn nóng giắt vào.

Sâu răng khiến răng của trẻ bị đau nhức, ê buốt

Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong calcium và mềm hoá, nhiễm vào tầng sâu của răng, làm cho bệnh nặng hơn. Khi răng đau kéo dài, hoặc mức độ đau gia tăng thì rất có thể tuỷ răng đã bị viêm.

Cách điều trị sâu răng

Tùy theo mức độ sâu răng của trẻ mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị cụ thể:

- Mức độ mới chớm sâu:

Trong trường hợp này, răng chỉ mới xuất hiện những đốm sâu răng nhỏ, chưa gây ảnh hưởng quá lớn đến răng thì bác sĩ có thể sử dụng các chất calcium, phosphate, fluorine trám vào chỗ răng sâu. Cách thực hiện này khá đơn giản nên cha mẹ có thể đưa bé đến trung tâm nha khoa để thực hiện.

- Mức độ sâu răng nặng:

Ở giai đoạn này khi các lỗ sâu đã hình thành khá lớn, gây đau nhức dữ dội ở trẻ hoặc răng trẻ bị vỡ mẻ ra thì lúc này, bác sĩ cần phải thăm khám, xem xét kỹ lường tình trạng sâu răng đã lan đến tủy chưa, nếu tủy bị viêm nhiễm thì cần điều trị nội nha trước tiên nhằm bảo tồn răng sau đó mới tiến hành trám.


Điều trị nội nha nếu sâu răng gây ảnh hưởng đến tủy

Theo cách điều trị bệnh sâu răng ở trẻ em thì thao tác nạo sạch vết sâu không thể bỏ qua nhằm loại bỏ hoàn toàn các mầm mống gây bệnh cũng như ổ vi khuẩn gây sâu răng. Trám răng sẽ là cách điều trị sâu răng sữa ở trẻ em khá hiệu quả. Không phải hàn trám chỉ áp dụng đối với người trưởng thành mà phương pháp này hoàn toàn có thể thực hiện khi răng sữa bị sâu.

Khi vết sâu được làm sạch thì phần răng mất mô sẽ được trám bít vật liệu Composite vào trong, tái tạo hình dáng và chiếu đèn laser đông cứng vết trám. Cấu trúc răng sẽ được tái thiết và đau nhức răng cũng được hạn chế tối đa.

Cách phòng ngừa bệnh sâu răng ở trẻ

Phòng ngừa bệnh sâu răng ở trẻ rất dễ dàng nếu chúng ta áp dụng đúng các biện pháp sau:

- Các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, các loại thức uống có gas như nước ngọt… 

- Nhắc nhở và giúp bé chú ý việc vệ sinh răng miệng hằng ngày kỹ lưỡng và đúng cách.

- Nên tập cho bé thói quen khám răng định kỳ tại nha khoa để các bác sĩ có thể phát hiện và điều trị kịp thời khi răng bị chớm sâu.


Chăm sóc răng miệng sạch sẽ để phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

Với những thông tin về bệnh sâu răng ở trẻ em mà chúng tôi đã chia sẻ trên đây, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ có thêm những kiến thức cần thiết để bảo vệ răng của trẻ tránh khỏi bệnh sâu răng.