Làm Trắng Răng Bị Sậm Màu Và Các Biện Pháp Cải Thiện Màu Răng.
9 năm trước
Màu răng bình thường do yếu tố di truyền quyết định. Răng vĩnh viễn bình thường có màu trắng trong. Màu răng thường không đều ở tất cả các răng, răng nanh thường có màu sậm hơn. Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi màu răng. Có 2 nhóm nguyên nhân chính:


NGUYÊN NHÂN GÂY SẬM MÀU RĂNG
Màu răng bình thường do yếu tố di truyền quyết định. Răng vĩnh viễn bình thường có màu trắng trong. Màu răng thường không đều ở tất cả các răng, răng nanh thường có màu sậm hơn. Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi màu răng. Có 2 nhóm nguyên nhân chính:

1. Răng sậm màu do các vết dính sậm màu bám trên bề mặt răng
Trường hợp này xảy ra khi các răng đã mọc. Các vết dính sậm màu có thể do thức ăn, nước uống, thuốc lá hay các loại thuốc ngậm, thuốc súc miệng gây ra; Ví dụ như trà, cà phê, nước ngọt, cà ri, màu thực phẩm, trầu, thuốc súc miệng chlorhexidine (thường được bác sĩ nha khoa kê toa trong điều trị bệnh nha chu hay hôi miệng). Hút thuốc lá, xì gà, hoặc nhai thuốc lá cũng có thể tạo nên các vết sậm màu trên răng.

Các vết dính này thường bám vào những trũng, rãnh trên bề mặt răng. Cũng có khi chúng bám lên cả bề nhẵn của mặt răng và bao phủ toàn bộ răng.

Những vết dính này có thể có nhiều màu khác nhau như vàng đậm, nâu nhạt đến nâu đậm, hay thậm chí có màu đen.

2. Răng sậm màu do có các chất sậm màu nằm bên trong cấu trúc răng
Các chất sậm màu có thể xâm nhập vào trong cấu trúc răng trước hay sau khi răng mọc.

Trước khi răng mọc
Các răng đầu tiên mọc vào khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, sự hình thành răng đã bắt đầu từ tuần thứ 5 trong bào thai. Kể từ thời gian này cho đến khi răng mọc, có thể có nhiều thay đổi gây nên sự sậm màu răng.
- Răng nhiễm Tetracycline
Tetracycline là một loại kháng sinh. Ngày nay còn có Doxycycline, Minocycline... là các thuốc kháng sinh cùng nhóm với Tetracycline.
Nếu người mẹ uống các thuốc này khi đang mang thai hoặc trẻ uống các thuốc này trước 7-8 tuổi thì có thể làm răng đổi màu. Mức độ sậm màu răng tùy thuộc vào thời điểm, thời gian dùng thuốc, liều lượng và loại thuốc. Màu răng có thể trở nên vàng, nâu hay xám xanh. Sự thay đổi màu này có thể xảy ra trên toàn bộ răng hay chỉ ở một vùng nào đó, làm răng có những dải màu khác nhau. Trong trường hợp nặng, răng còn có thể bị lỗ chỗ, khiếm khuyết, mất đi hình dạng bình thường.
- Răng nhiễm fluo
Fluo là một chất hóa học có thể có trong tự nhiên (ví dụ trong nước giếng), vì có khả năng chống sâu răng nên thường được cho thêm vào nước máy, sữa, kem đánh răng...
Nếu phụ nữ mang thai hay trẻ em nuốt phải fluo quá nhiều từ các nguồn nói trên, răng sẽ có những vết nâu hay trắng đục. Trường hợp nặng có thể gây khiếm khuyết cấu trúc răng.
- Ngoài ra, một số bệnh lý khác của răng hay của máu cũng có thể làm thay đổi màu răng (ví dụ sinh men bất toàn, không phù hợp yếu tố Rhesus giữa mẹ và con...).

Sau khi răng mọc
- Răng chết tủy sau khi điều trị tủy răng
Răng có thể bị chết tủy do sâu răng, chấn thương hay một số bệnh lý khác. Răng sậm màu do có chảy máu bên trong răng.
- Sự tích tuổi
Càng lớn tuổi, răng càng bị mòn hoặc có nhiều vết nứt nên dễ bị nhiễm màu hơn. Ngoài ra bên trong răng có sự tạo thêm các lớp ngà thứ cấp làm cho răng có màu sậm.
Các điều trị nha khoa
Một số thủ thuật điều trị nha khoa có thể làm thay đổi màu răng, ví dụ trám răng bằng chất trám có màu sậm (như amalgam), điều trị tủy răng.

CÁC PHƯƠNG PHÁP CẢI THIỆN MÀU RĂNG
Có nhiều phương pháp cải thiện màu răng, do bệnh nhân hoặc bác sĩ nha khoa thực hiện. Có thể áp dụng các phương pháp này riêng rẻ hay kết hợp với nhau.

Nói chung có 2 cách làm thay đổi màu răng:
1. Làm thay đổi màu răng nhưng không gây ảnh hưởng đến cấu trúc răng
- Lấy đi các vết dính sậm màu trên răng bằng dụng cụ cạo vôi và đánh bóng răng. Việc này phải do bác sĩ nha khoa thực hiện.
- Tẩy trắng răng: sử dụng các thuốc tẩy trắng răng hay kem đánh răng, kẹo cao su có chất tẩy trắng răng ; có thể do bác sĩ nha khoa thực hiện, hoặc bệnh nhân thực hiện dưới sự kiểm soát của bác sĩ.

2. Làm thay đổi màu răng có ảnh hưởng đến cấu trúc răng (mài răng)
Phương pháp này phải do bác sĩ nha khoa thực hiện. Nguyên tắc chung là mài bỏ đi một phần cấu trúc răng và thay vào bằng một chất khác có màu sáng hơn (ví dụ đắp composite lên mặt răng). Phương pháp này thường được chọn lựa khi sậm màu răng có kèm theo khiếm khuyết cấu trúc răng hoặc thay đổi hình dạng răng.

Phương pháp này có ưu điểm là: chọn được màu răng theo ý muốn, giải quyết được tình trạng mô răng bị khiếm khuyết; Nhưng sự phục hồi không bền lâu, có thể gây nhạy cảm trong lúc thực hiện, phải hạn chế dùng các thức ăn dai cứng và nếu đắp composite thì sau vài năm, vật liệu sẽ bị đổi màu.

Lưu ý: Cần hỏi ý kiến của bác sĩ nha khoa trước khi quyết định chọn một phương pháp cải thiện màu răng và ưu tiên sử dụng các phương pháp không mài răng